Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hội chứng nghỉ Tết

Dịch vụ giữ trẻ ngày cận Tết có học phí cao hơn ngày thường nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ - Ảnh: T.G.

Năm nay, các em học sinh được nghỉ từ ngày 2/2 (22 tháng Chạp) cho đến hết ngày 17/2 (7 tháng Giêng). Thời gian chỉ hơn nửa tháng nên cha mẹ không lên lịch học tập tại nhà mà các em chỉ có ăn rồi chơi, chơi… rồi ăn. Không những thế, các em còn có thể thức khuya xem phim, rồi sau đó ngủ nướng cho đến tận trưa hôm sau một cách thoải mái mà không sợ người lớn la rầy, với lý do đơn giản: Tết mà!

Chính vì vậy, “hội chứng nghỉ Tết” còn đáng sợ ở chỗ nó làm xáo trộn lịch sinh hoạt hằng ngày của trẻ, thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, tạo cho trẻ sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần sau những ngày giờ hưng phấn với những trò chơi, các buổi hội họp ồn ào hay bữa tiệc linh đình, với những món ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, thừa năng lượng mà thiếu chất bổ. Cũng có khi trẻ "dán" mắt vào chiếc ti vi, máy tính với những bộ phim, những trò chơi mà không bị giới hạn như những ngày trong năm: Tết mà!

Ngay cả với người lớn, nếu không có sự sắp xếp, tổ chức thời gian để vui xuân với các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống một cách hợp lý, thì cũng rất dễ bị cuốn vào những cuộc vui chơi, những màn ăn nhậu kéo dài vô tội vạ, không chỉ gây mệt mỏi cho bản thân mà còn khiến ta khó có thể buộc con trẻ vào những giới hạn mong muốn, thậm chí có thể gây hại cho con, bởi đơn giản là do trẻ bắt chước người lớn và người lớn cũng không thể “cột” được đứa trẻ.

Chúng ta thường có tâm lý, một năm chỉ có một lần, cả năm nhịn ăn nhịn mặc, thì ngày Tết là phải dư thừa thức ăn, thoải mái vui chơi… điều này không sai, nhưng lại có khả năng gây ra những hậu quả mà chính chúng ta chứ không ai khác sẽ lãnh đủ khi con em mình sau những ngày “ăn chơi nhảy múa” không đổ bệnh thì cũng đổ lười, sau đó sẽ không chịu khép mình một cách dễ dàng vào các hoạt động thường ngày khi hết Tết. Vì thế, vui xuân không quên… nhiệm vụ. Chúng ta cần ý thức trách nhiệm làm cha mẹ, không chỉ để ép con vào chuyện học trong năm, mà là biết tổ chức, sắp xếp cho con các hoạt động vui chơi trong những ngày Tết.

Với những gia đình có điều kiện thì có thể sau ba ngày Tết sẽ là những chuyến đi chơi xa, đến những điểm du lịch trong và ngoài nước… Những gia đình ít điều kiện về tài chính và thời gian, thì cũng có các khu vui xuân, các lễ hội có khả năng kéo chúng ta ra khỏi nhà một buổi hay cả ngày… Nhưng, dù đi chơi xa hay chơi gần, đều cần có sự chuẩn bị, nhất là với những gia đình có trẻ em. Chúng ta đừng nghĩ là chỉ cần mang theo tiền là đủ, vì các điểm tham quan vui chơi ngày Tết, chính là cơ hội cho những cái “máy chém” hoạt động hết công suất cũng với một điệp khúc quen thuộc: Tết mà! Bên cạnh việc chuẩn bị các vật dụng như máy ảnh, nước uống, các loại trái cây hay bánh kẹo hợp vệ sinh, khăn giấy… thì việc chuẩn bị tinh thần cho trẻ với những lời dặn dò để tránh chuyện vòi vĩnh, hay quá ham chơi mà đi lạc, cũng như việc phân chia thời gian, đi trong bao lâu, khi nào đi khi nào về là điều không thừa. Chúng ta nên trang bị cho các cháu những kiến thức tối thiểu trong cách ứng xử trong đám đông, với người lạ hay cách tự bảo vệ mình. Nhất là đối với các cháu bé thì phải có những biện pháp để giữ an toàn như ghi tên cha mẹ và số điện thoại rồi bỏ vào túi của trẻ.

Nên nhớ, vui Tết với trẻ em không chỉ là ăn uống, vui chơi mà còn phải có sự nghỉ ngơi hợp lý cùng với các hoạt động hàng ngày và cả thời gian để quan tâm đến sách vở. Có thể chỉ là một giờ trong ngày, các em cũng cần có sự động não trong việc xem lại bài, hay đọc các sách tham khảo hỗ trợ kiến thức và đặc biệt là nên có những hoạt động cùng với cha mẹ trong những ngày trước và trong Tết tại gia đình.

Có thể nói, không có dịp nào tốt hơn là trong những ngày chuẩn bị đón Tết, cũng như trong những ngày đầu năm, gia đình có được những hoạt động cùng nhau trong việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ… Sau đó là những bữa cơm mà cả nhà quây quần vui vẻ, trò chuyện một cách thân tình. Chính những hoạt động này mới là điều cần phải quan tâm, chúng nâng cao giá trị của những ngày nghỉ Tết, chứ không phải những cuộc vui chơi mà mạnh ai nấy chơi, người lớn chơi theo người lớn, trẻ em chơi với trẻ em, lắm em chỉ biết xúm xít qua các bàn “bầu cua cá cọp”, hay tệ hơn là các trò chơi trên máy vi tính để đốt tiền, đốt thời gian và đốt cả những năng lực cần thiết.

Ngoài ra, trong những ngày chuẩn bị Tết, không nhất thiết các bậc cha mẹ phải bày ra quá nhiều việc phải làm, từ quét vôi, sơn nhà, lau màn cửa, chùi rửa bàn thờ cho đến gói bánh, làm mứt, làm dưa hành hay quá quay cuồng trong việc buôn bán kiếm tiền… rồi sau đó cả nhà mệt lử, không còn sức lực để hào hứng đón xuân.

Chúng ta cần có một sự sắp xếp các hoạt động chuẩn bị đón Tết và vui xuân, cho cả cha mẹ lẫn con cái, tuy không quá cứng nhắc như kiểu lịch công tác, nhưng cũng phải có sự bố trí hợp lý giữa nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống, học tập, làm việc cùng nhau… Bên cạnh đó, việc đi chơi xuân, hay đến thăm họ hàng cần có sự cân nhắc và chuẩn bị chu đáo cho lộ trình, cho những vật mang theo và cho cả những điều cần trao đổi, từ những câu chúc ông bà, cô chú cho đến việc nhận tiền lì xì, một nét đẹp văn hóa mà nếu không khéo dạy, có thể khiến cha mẹ phải “đứng hình” vì cách vòi vĩnh hay cư xử của trẻ.

Hội chứng nghỉ Tết sẽ không còn là một điều khó chịu, thậm chí căng thẳng, mệt mỏi nếu cha mẹ biết cách tổ chức, chuẩn bị trước các nội dung cần thiết để con em mình có thể vui vẻ nghỉ ngơi và bản thân người lớn không còn phải nhức đầu, đau tim với những giai điệu quen thuộc: Tết…Tết... Tết đến rồi!

Lê Khanh
(Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý - Đào tạo Kỹ năng Rồng Việt TP.HCM)