Có dịp tản bộ trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào vào các tối thứ Bảy, bạn dễ dàng nhận ra Mai Tuyết Hoa trong váy đụp, nón tơi xơ tướp cùng cây đàn nhị và hát những điệu xẩm gần gũi với dân Hà thành từ nửa thế kỷ trước, nay có nguy cơ bị quên lãng. Thật khó hình dung một thiếu nữ nói cười trẻ trung, duyên dáng, cưỡi xe vi vu trên đường phố, lại nhanh chóng hóa thân để trình diễn những điệu xẩm điệu nghệ đến thế. Chị chân thành và cũng rất hồn nhiên thổ lộ: “Em tiếp nhận dòng máu đam mê, trân trọng xẩm của “Bu Cầu” đấy ạ”.
Mai Tuyết Hoa đam mê âm nhạc từ bé. Lên 8 tuổi, Hoa vào học chương trình sơ cấp, cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với cây đàn nhị, một nhạc cụ thường gắn liền với ma chay, khiến không ít bạn bè trêu chọc. Học xong trung cấp tại trường này, cô thi vào Viện Âm nhạc Quốc gia cùng với cây đàn “khó thương” đã gắn bó với cô từ khi bước vào thế giới âm nhạc.
Trong những chuyến điền dã, cô sinh viên trẻ có cơ may hòa mình vào thế giới âm nhạc dân gian. Cây đàn cò nhanh chóng hòa quyện vào nhịp phách, với luyến láy, nhấn, rung của nhiều làn điệu dân ca cổ, đặc biệt là xẩm.
Hát xẩm là loại hình dân ca cổ, đang có nguy cơ mai một. Nhưng chính những chuyến đi thực tế, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân xẩm, Mai Tuyết Hoa mới nhận ra ở xẩm sự điêu luyện, tinh tế đến kỳ lạ. Đặc biệt trong lời ca xẩm, mộc mạc, chân tình. Phải chăng đó là cội nguồn cảm xúc của người Việt. Ở đó con người có thể gửi gắm tâm cảm da diết thân phận con người. Trong số các nghệ nhân già, các cụ Trùm Nguyên, Thân Đức Chính, và đặc biệt Hà Thị Cầu là người truyền cảm hứng sâu sắc nhất đến tâm hồn nhạy cảm của Mai Tuyết Hoa. Chị nhớ lại.
- Khi tuổi đã già, linh cảm một lần ra đi và mãi mãi, “Bu Cầu” nhắc nhở: Chừng nào bu “đi”, các con nhớ lót dưới gáy bu một ít vàng (vàng thờ phượng). May chi bu sớm được gặp các “Trùm”. Mãi sau này chúng tôi mới hiểu, đến phút lâm chung, bu vẫn gắn bó với xẩm. Phải chăng đó là sự gửi gắm, nhắc nhở kín đáo của bu với môn sinh.
Cùng với nhiều nghệ sĩ yêu xẩm, Mai Tuyết Hoa đã thành công trong các chương trình: Hát xẩm Hà thành, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Chương trình Cầm thi giang… Hy vọng giữ gìn một tinh hoa trong dòng nhạc cổ dân tộc, Mai Tuyết Hoa đã nhiệt tình tham gia nhiều đêm diễn trên phố Hàng Đào, mong xẩm có cơ hội lan tỏa vào tâm hồn lớp trẻ. Để có điều kiện hoạt đồng bài bản trong việc sưu tầm bảo tồn, sáng tác, đưa làn điệu cổ hòa nhập với cuộc sống mới với rất nhiều cảm xúc khác nhau, Mai Tuyết Hoa đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. Đây là ý tưởng tâm huyết mà chị đã ấp ủ từ nhiều năm, góp phần gìn giữ, phát triển hồn cốt âm nhạc dân tộc Việt Nam. Không chỉ riêng xẩm mà chầu văn, chèo, quan họ, hát xoan cần được sống lại bằng chính cội nguồn giá trị sâu lắng của dân ca cổ dân tộc.
Nguyên Phước
|