Có một góc chợ vẫn y như ngày tôi còn là đứa trẻ thơ thích được má dắt theo, đó là chỗ bán “đồ rừng” của những người đàn bà Ê đê. Người đi chợ rành như má tôi thường tới nơi này trước tiên để mua được rau trái tự nhiên còn tươi rói. Những tai nấm căng mọng, bó lá giang xanh mướt còn ẩm hơi sương... Và trong mùa mưa thì đương nhiên chẳng thể thiếu các loại măng. Măng lay nhỏ xinh như ngón tay, có lẽ vì sự nhỏ xinh này mà nó ngọt lịm, chỉ cần luộc lên chấm nước mắm hoặc muối ớt cũng đáng được gọi là một món ngon trong mâm cơm mùa hè. Măng le to hơn ngón chân cái, măng tre to hơn tí nữa, măng bương to bằng nắm tay đàn ông... Ông trời oái ăm, mùa măng lại là mùa mưa do vậy có được măng khô để dành là khá kỳ công. Mua măng về, má tôi cẩn thận bấm móng tay vào mụt măng ở phần gốc, nếu móng tay không xuyên qua thì cắt bỏ đi, phần này má làm vì sợ lỡ chị em tôi làm biếng thì uổng công sức phơi măng bị già cứng. Chị tôi làm phần tiếp theo là khía mỏng mụt măng ra, còn tôi và anh trai thì xếp măng đã khía mỏng ra mấy cái nia. Mùa mưa, trước sân nhà nào cũng bày đầy măng. Trời đang nắng mà kéo mây sụp xuống thì cả xóm vang tiếng chạy rào rào để bưng măng vô nhà. Có nhà phơi măng trên mái tôn thì việc chạy mưa mới là rộn, hai ba người vội trèo lên mái cào măng gom lại rồi hốt thật nhanh vô bao và ơi ới gọi đứa ở dưới đỡ túm măng đang thả xuống. Một mùa măng có nhiều đợt phơi vì còn tùy lúc rảnh lúc
Măng phơi được nắng có màu vàng như mật ong, còn mắc mưa phải phơi đi phơi lại thì bị thâm đen. Khi măng đã khô, má tôi lựa ra thành hai loại. Loại được nắng có màu đẹp cất một bao riêng để dành làm quà cho hai bên nội ngoại và bạn bè thân quý. **** Mùa mưa vừa rồi tôi về thăm má, ghé lại chợ Xóm, thấy có mấy hàng bày bán măng trồng, cái nào cái nấy to như bắp chân. Tưởng những gùi măng nhỏ bé kia bị ế mất, nhưng không. Nhiều người vẫn thích phơi khô măng rừng. Túi măng khô có màu vàng mật ong vẫn là món quà đẹp của nghĩa tình. Cao Nguyên |